Bãi bỏ quyền tự trị Cách_mạng_Mông_Cổ_1921

Cách mạng Nga năm 1917 và Nội chiến Nga một năm sau đó đã biến đổi động lực giữa Mông-Hoa. Nhằm phản ứng trước những tin đồn về một cuộc xâm chiếm sắp tới của Bolshevik, và cũng do được "biện sự đại viên" của Trung Quốc tại Khố Luân (Urga, nay là Ulaanbaatar) khuyến khích, người Mông Cổ thỉnh cầu trợ giúp quân sự từ Trung Quốc vào mùa hè năm 1918 (khoảng 200 đến 250 binh sĩ đến vào tháng 9). Trên thực tế, việc xâm chiếm không diễn ra, do vậy chính phủ của Bogd Khaan đề nghị triệu hồi các binh sĩ này. Chính phủ Bắc Kinh từ chối, nhìn nhận hành động vi phạm Hiệp ước Khyakhta này là bước đi đầu tiên nhằm khôi phục chủ quyền của Trung Quốc đối với Mông Cổ.[5]

Đầu năm 1919, một tướng Bạch vệ Nga là Grigori Semyonov tập hợp một nhóm người Buryat và người Nội Mông Cổ tại Siberia nhằm hình thành một quốc gia liên Mông Cổ. Người Khalkha được mời gia nhập, song họ từ chối. Semyonov đe dọa về một cuộc xâm chiếm nhằm buộc người Khalkha phải tham gia, mối đe dọa này kích động các thân vương, họ nhận thấy đang có một cơ hội lớn hơn: chấm dứt cai trị thần quyền. Tháng 8, Ngoại trưởng Mông Cổ tiếp xúc với Trần Nghị với một thông điệp từ "các đại diện của bốn bộ" (tức là người Khalkha) với một thỉnh cầu về trợ giúp quân sự chống lại Semyonov. Có lẽ quan trọng hơn là nó gồm có một tuyên bố rằng người Khalkha nhất trí đề nghị bãi bỏ quyền tự trị và khôi phục hệ thống như của triều Thanh trước đây.

Các cuộc đàm phán bắt đầu ngay lập tức với sự tham dự của các đại diện của Bogd Khaan. Đến tháng 10, Trần Nghị và các thân vương Mông Cổ thỏa thuận về một bộ các điều kiện, "64 điểm", tái lập trên thực tế hệ thống chính trị và hành chính. Các điểm được đệ trình lên Quốc hội, thượng viện tán thành song hạ viện thì không[6] Tuy nhiên, thượng viện thắng thế giống như toàn bộ các vấn đề khác đệ trình lên Quốc hội trước đó, và Trần Nghị gửi bản thảo các điều khoản đến Bắc Kinh. Bogd Khaan phái một đoàn lạt ma đến Bắc Kinh với một thư viết rằng nhân dân Mông Cổ không muốn bãi bỏ quyền tự trị. Ông viết rằng điều này đều là thủ đoạn của Trần Nghị, và thỉnh cầu triệu hồi Trần Nghị.[7] Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không quan tâm đến việc có sự nhất trí tại Ngoại Mông về quyền tự trị hay không. Các điểm được đệ trình lên Quốc hội Trung Quốc, và được phê chuẩn vào ngày 28 tháng 10.[8]

Từ Thụ Tranh

Những chính sự diễn ra sau đó tại Trung Quốc làm thay đổi lịch sử Mông Cổ về căn bản. Chính phủ Bắc Kinh chịu sự kiểm soát của một hệ quân phiệt mang tên "Hoản hệ" do Đoàn Kỳ Thụy đứng đầu, bị công chúng chỉ trích do thất bại trong vấn đề Sơn Đông tại Hội nghị hòa bình Paris. Tháng 6 năm 1919, một thành viên nổi bật của Hoản hệ là Từ Thụ Tranh được bổ nhiệm làm "Tây Bắc trù biên sứ" kiêm "Tây Bắc biên phòng quân tổng tư lệnh", là quan chức cao cấp về quân sự và dân sự tại Ngoại Mông.[9] Trước đó, trong tháng 4, Từ Thụ Tranh đệ trình một kế hoạch lên chính phủ Bắc Kinh nhằm tái thiết toàn thể xã hội và kinh tế của Ngoại Mông, trong đó có đề xuất rằng để người Hán đến định cư và khuyến khích liên hôn giữa người Hán và người Mông Cổ nhằm "biến đổi phong tục của người Mông Cổ".[10]

64 Điểm của Trần Nghị đảm bảo cho Mông Cổ một loại hình tự trị, như vậy sẽ buộc Từ Thụ Tranh phải từ bỏ kế hoạch của mình. Từ Thụ Tranh đến Khố Luân (Urga) vào tháng 10 cùng một đạo quân. Ông ta thông báo cho Trần Nghị rằng 64 Điểm cần phải được thương lượng lại dựa trên một bộ đề xuất mới là "Tám Điều" của ông ta, trong đó đòi hỏi gia tăng dân số và phát triển kinh tế. Từ Thụ Tranh trình các điều cho Bogd Khaan cùng một lời đe dọa rằng việc từ chối phê chuẩn chúng sẽ dẫn đến việc bị trục xuất [đến Trung Quốc]. Bogd Khaan trình các điều lên Quốc hội Mông Cổ, thượng viện chấp thuận còn hạ viện thì bác bỏ; một số thành viên của hạ viện thậm chí còn đe dọa trục xuất Từ Thụ Tranh bằng vũ lực, hầu hết các lạt ma cũng chống lại kế hoạch của Từ Trụ Tranh. Tuy nhiên, thượng viện lại một lần nữa thắng thế.[11] Ngày 17 tháng 11 năm 1919, Từ Thụ Tranh chấp thuận một kiến nghị- với chữ ký của các bộ trưởng và thứ trưởng song không có của Bogd Khaan—về việc bãi bỏ quyền tự trị.[12]

Từ Thụ Tranh trở về Bắc Kinh, tại đây ông ta nhận được sự hoan nghênh dành cho anh hùng do Hoản hệ sắp xếp. Đến tháng 12, ông trở lại Khố Luân để tổ chức một lễ chính thức chuyển giao quyền lực. Người Mông Cổ được yêu cầu phủ phục nhiều lần trước các biểu tượng thể hiện chủ quyền Trung Quốc.[13] Đêm hôm đó, một số mục dân và lạt ma tập hợp ngoài cung điện và giật những quốc kỳ Trung Quốc treo ở cửa cung xuống.[14]